Nhiều loại thực phẩm có thể giúp bạn bảo vệ trái tim, cải thiện sức khỏe. Hãy cùng Sức Khỏe khám phá những “tấm khiên” tự nhiên này để cùng chúng giữ trái tim luôn mạnh mẽ nhé!
Guồng quay vội vã, tất bật của cuộc sống, khi công nghệ hiện đại, máy móc thay thế dần cho lao động chân tay đã đưa đẩy con người phát triển theo xu hướng: làm gì cũng phải nhanh. Từ đó, chu kỳ ăn, uống, ngủ, nghỉ cũng tuân theo xu hướng này. Cơ thể nói chung, tim nói riêng do vậy cũng phải “dũng cảm” đối mặt với tiến trình “công nghiệp hóa”. Vậy làm sao để cơ thể, đặc biệt là tim trở nên khỏe mạnh?
Quả tim thật ra là một cơ bơm trong lồng ngực. Nó đập liên tục, không ngừng nghỉ suốt cả đời người, làm “người vận chuyển” máu nhịp nhàng xuống phổi và tất cả các bộ phận khác trong cơ thể. Một quả tim bình thường có cân nặng 298g và có kích cỡ khoảng một nắm tay của bạn. Tùy theo tâm trạng, chuyển biến cảm xúc hoặc tình trạng của cơ thể (vui, buồn, ngủ, nghỉ) mà nó đập nhanh - chậm khác nhau, khoảng 60-120 nhịp/phút.
![]() |
“Nạp “ thêm nhiều loại thực phẩm phù hợp giúp bạn bảo vệ trái tim, cải thiện sức khỏe. |
Tùy thể chất của mỗi người, máu có thể chảy nhanh hay chậm. Trung bình 1 tế bào máu chỉ mất 60 giây để chu du vòng quanh các động mạch và ven (hoàn tất một chu trình quanh cơ thể người). Quả tim đập và vận chuyển 5/4 lượng máu của cơ thể trong khoảng 500 lần/ngày. Khi các động mạch vành bị cholesterol xấu (một loại đạm béo gây tắc nghẽn động mạch) “cản đường”, tim bắt đầu “gặp khó khăn” khi vận chuyển máu. Và tình trạng gây tắc nghẽn dẫn đến các rắc rối về tim.
Ngoài việc bảo vệ tim bằng cách cắt giảm thức ăn chứa nhiều đường, chất béo, mặn… hoặc thường xuyên tập thể dục, thể thao vừa sức, bạn nên “nạp” thêm nhiều loại thực phẩm tốt cho tim, như măng tây, cải bó xôi, cá trích... Nhớ đừng bỏ qua chúng trong thực đơn hằng ngày để bảo vệ nhịp đập của trái tim, bạn nhé!
Măng tây
Măng tây chứa nhiều saponin, loại hợp chất tương tự như chất chống ô-xy hóa, có khả năng “cản đường” tăng trưởng của ung thư. Nó có đặc tính ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn, giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Ngoài đặc tính tiêu biểu trên, măng tây còn là “liều thuốc” kháng sinh tự nhiên giúp tăng cường khả năng miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên, chỉ ăn măng tây sẽ không giúp cơ thể hấp thụ đầy đủ hợp chất saponin. Bạn cần kết hợp với các loại đậu. Ngoài saponin, măng tây còn chứa chất kháng viêm, như: folate, vitamin C và D.
Có thể ăn măng tây theo nhiều cách: kho, xào, nấu canh hoặc làm chua để dùng dần dần.
Cá trích
Cá trích được xếp “ngang hàng” với cá hồi về mặt dinh dưỡng nhưng giàu omega-3 hơn. Omega-3 là a-xít béo bão hòa gốc poly có thể giúp giảm lượng mỡ triglyceride, tăng cholesterol tốt. Ngoài ra, omega-3 có trong cá trích còn có thể ngăn chặn tình trạng đông máu và giảm cao huyết áp. Dùng 85g cá trích sẽ cung cấp cho cơ thể bạn 2g omega-3.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Có thể chế biến cá trích bằng nhiều cách: chiên, nướng, nấu canh, lẩu... Cần lưu ý khi ăn vì loại cá này rất nhiều xương.
Cải bó xôi
Ngoài chứa hàm lượng kiềm rất cao, giúp điều hòa lượng pH trong máu, cải bó xôi còn có thể thay thế thịt bởi hàm lượng protein trong cải tương đương trong thịt. Bên cạnh đó, loại rau này còn rất giàu chất dinh dưỡng bởi lớp màu xanh sậm của cải có được từ vô vàn vitamin A, vitamin B, vitamin C, E, K, ma-giê, can-xi… đặc biệt là sắt và folate, giúp bảo vệ tim và “cửa sổ tâm hồn” của bạn.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Có thể nấu canh, luộc hoặc dùng cải bó xôi làm các món xào.
Mận khô
Đường tự nhiên trong quả mận khô rất phù hợp với những người thích ăn đường. Ngoài đường, mận khô còn nổi tiếng với hàm lượng cao chất xơ và chất chống ô-xy hóa, giúp kéo dài tuổi thọ của những trái tim “yểu điệu thục nữ”. 100g mận khô sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 25% lượng chất xơ cần thiết trong ngày. Mận khô chỉ phổ biến tại các siêu thị lớn. Vì thế, bạn chỉ cần mua hàng đóng gói sẵn và dùng ngay sau khi mở túi.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Cam
Flavon – loại chất chống ô-xy hóa hữu hiệu có trong các giống cam quýt có thể giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt cho cơ thể. Bệnh nhân có hàm lượng cholesterol trong máu cao cũng được khuyến khích ăn nhiều cam, nho và chanh để cơ thể hấp thu “thần dược” giúp ngăn chặn cholesterol tăng cao.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Với quả cam, bạn có thể chế biến một ly cam tươi hoặc các món gỏi.
Bột yến mạch
Hãy khởi đầu ngày mới bằng một chén cháo yến mạch để giúp cơ thể nạp nhiều dưỡng chất tốt cho tim như: omega-3, folate (một loại a-xít amin giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu) và ka-li. Bên cạnh đó, nhờ hàm lượng chất xơ cao, bột yến mạch có thể giúp động mạch thông thoáng, giải quyết tình trạng tắc nghẽn các tế bào mỡ. Bạn sẽ hấp thụ được lượng chất xơ gấp đôi so với các chất bột khác mà lại chứa rất ít calorie. Ngoài ra, yến mạch còn chứa nhiều loại chất tốt cho cơ thể như: kẽm, sắt, can-xi, đạm, vitamin E… nhiều hơn so với các loại hạt khác.
Bạn có thể dùng bột yến mạch nấu cháo, làm bánh...
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Trà xanh
Hàm lượng caffeine có trong trà xanh thấp hơn trong các loại trà thông thường khác nên không gây kích thích tim, mất ngủ... Ngược lại, trà xanh có ích trong việc giảm cân, giúp cơ thể đào thải các chất béo gây hại bằng cách “khuyến khích” khả năng trao đổi chất. Ngoài ra, trà xanh còn là “nơi tập trung” của các chất chống ô-xy hóa, tăng cường sức khỏe cho tim bởi “vị dũng sĩ” này giúp điều hòa đường máu và thân nhiệt của cơ thể.
![]() |
Hình minh họa. (Ảnh internet) |
Có thể thưởng thức nước chè của trà xanh tươi hoặc khô bất cứ lúc nào bạn thích.